Nhân viên cứu hỏa ở Trung Quốc đã được huy động để giải cứu lợn bị mất nước khi được vận chuyển trên các xe tải, trong khi gà bỏ ăn khiến sản lượng trứng giảm đáng kể.
Đối mặt với đợt nắng nóng gay gắt nhất trong 6 thập kỷ, các nhà máy ở phía tây nam của Trung Quốc đang bị buộc phải đóng cửa. Hạn hán nghiêm trọng đã làm thu hẹp các con sông, gây gián đoạn nguồn cung cấp nước và thủy điện của khu vực, đồng thời khiến dòng điện đến các doanh nghiệp và hộ gia đình đều bị hạn chế.
Tình cảnh cho thấy thời tiết khắc nghiệt - đã kéo dài 2 tháng - đang làm căng thẳng thêm tình trạng kinh tế của Trung Quốc, vốn đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong nhiều năm do chính sách Covid-19 nghiêm ngặt, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã đạt mức cao kỷ lục, và khủng hoảng bất động sản, theo New York Times.
Sản xuất đình trệ
Từ trung tâm tỉnh Tứ Xuyên đến duyên hải Giang Tô, nhiệt độ thường xuyên vượt quá 40 độ C. Tại thành phố Trùng Khánh, sức nóng đã đạt mức 45 độ C hôm 19/8, khiến chính phủ phải ban hành cảnh báo nhiệt cao nhất lần thứ 8 trong mùa hè này.
Theo thống kê từ trung tâm khí tượng chính thức của Trung Quốc, nước này đã ghi nhận trung bình 12 ngày nhiệt độ cao bất thường trong mùa hè này, nhiều hơn khoảng 5 ngày so với thường lệ. Đợt nắng nóng được dự báo sẽ kéo dài ít nhất một tuần nữa.
Hạn hán đã khiến nguồn cung điện ở Tứ Xuyên, một tỉnh phụ thuộc nhiều vào thủy điện bị căng thẳng nghiêm trọng. Zhou Jian, Phó kỹ sư trưởng của Trung tâm Kiểm soát Điện lực Tứ Xuyên, cho biết công suất của các nhà máy thủy điện đã giảm một nửa.
Với lượng mưa ít ỏi, mực nước sông Dương Tử, con sông dài thứ 3 thế giới, đã xuống mức thấp kỷ lục, giảm 5-6 m so với cùng kỳ năm ngoái.
“Tình hình của các hồ chứa ở thượng nguồn sông Dương Tử rất tồi tệ”, Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Liu Weiping, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 17/8, nói thêm rằng tình trạng này dự kiến kéo dài cho đến tháng sau.
Để tiết kiệm năng lượng, các ga tàu điện ngầm và xe lửa ở tỉnh lỵ Thành Đô của Tứ Xuyên đã tắt đèn chiếu sáng trên cao, trong khi các tòa nhà văn phòng ở đó cũng như ở thành phố Đạt Châu lân cận được yêu cầu ngừng sử dụng máy điều hòa không khí. Tỉnh cũng đã ban hành lệnh yêu cầu các nhà máy tạm ngừng hoạt động từ ngày 15 đến 20/8.
Tỉnh Tứ Xuyên là trung tâm của các nhà sản xuất chất bán dẫn và tấm pin Mặt Trời của Trung Quốc. Việc phân bổ năng lượng ảnh hưởng đến cả các nhà máy thuộc một số công ty điện tử lớn nhất thế giới, bao gồm Foxconn - nhà cung cấp của Apple và Intel.
Tỉnh này cũng là trung tâm của ngành công nghiệp khai thác lithium của Trung Quốc, và việc đóng cửa có thể đẩy giá nguyên liệu này, một thành phần quan trọng trong pin ôtô điện, lên cao.
Thành phố lân cận Trùng Khánh, nằm ở ngã ba sông Dương Tử và Gia Lăng, cũng đã ra lệnh cho các nhà máy tạm ngừng hoạt động trong một tuần đến hết ngày 23/8 để tiết kiệm điện, báo Paper đưa tin.
Nông dân giăng lưới bảo vệ chè khỏi nắng gắt ở Hằng Châu
Theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn, hạn hán kéo dài do nắng nóng gay gắt dự kiến làm giảm đáng kể quy mô thu hoạch lúa của Trung Quốc, cũng như các loại nông sản khác.
Ở phía đông thành phố Hàng Châu, nông dân trồng chè chuẩn bị cho vụ thu hoạch mùa thu đã phải dùng lưới để che nắng cho cây trồng.
Trong khi đó, nhân viên cứu hỏa ở thành phố Trùng Khánh đã được huy động để giải cứu lợn bị mất nước khi được vận chuyển trên các xe tải.
Theo các phương tiện truyền thông nhà nước, gà được báo cáo bỏ ăn vì nóng, khiến sản lượng trứng giảm đáng kể và đẩy giá trứng tăng cao trên toàn quốc, lên tới 30% ở một số nơi.
Li Xinyi, chủ một trang trại gà ở phía đông thành phố Hợp Phì, nói với một trang tin tức địa phương rằng ông đã phải lắp quạt lớn trong chuồng gà nhằm cố giữ nhiệt độ không vượt quá 31 độ C, nhưng sản lượng trứng vẫn ít hơn bình thường. Một nông dân khác, ở tỉnh Hà Nam, miền Trung, nói với một tờ báo nhà nước rằng khoảng 20% gà mái của ông không thể đẻ trong những ngày gần đây.
Trùng Khánh, với khoảng 20 triệu dân, cũng đã chứng kiến 51 con sông và 24 hồ chứa cạn nước, nguồn cung cấp nước cho hơn 300.000 cư dân cũng bị gián đoạn. Một số tỉnh khác cũng đang trải qua đợt hạn hán dự kiến tồi tệ hơn trong những tuần tới.
Dự báo tăng trưởng kinh tế bị hạ
Sóng nhiệt mạnh bất thường cũng là một trong những nguyên nhân khiến hàng loạt ngân hàng đầu tư lớn hạ thấp mức dự báo tăng trưởng của Trung Quốc, theo CNN.
Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay từ 3,3% xuống 3%, sau khi tính đến dữ liệu kinh tế yếu hơn trong tháng 7 và những hạn chế về năng lượng do đợt nắng nóng kỷ lục gây ra. Đây là lần thứ 3 ngân hàng này hạ mức dự báo của họ đối với nền kinh tế số 2 thế giới kể từ tháng 5.
“Một mùa hè khô nóng bất thường đã gây căng thẳng cho việc cung cấp điện và dẫn đến việc cắt giảm sản lượng ở một số tỉnh và một số lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng”, các nhà phân tích của Goldman cho biết trong một báo cáo được công bố vào cuối ngày 17/8.
“Những hạn chế về năng lượng có thể sẽ làm chậm tốc độ phục hồi trong tháng 8 so với kỳ vọng trước đó của chúng tôi”, họ nói.
Hôm 18/8, ngân hàng Nomura cũng hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay từ 3,3% xuống 2,8% do mất đà trong tháng 7, sự hồi sinh của Covid-19, và nắng nóng.
Thời tiết khắc nghiệt "đã khiến nhu cầu sử dụng điện cho điều hòa không khí của khu dân cư tăng nhanh chóng và khiến một số tỉnh hạn chế sử dụng điện hoặc cắt giảm điện, trong đó có một số trung tâm công nghiệp quan trọng nhất của Trung Quốc", họ nói.
Họ cho biết thêm rằng hạn hán có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp điện và thu hoạch lương thực.
Tại một cuộc họp chính trị quan trọng vào tháng trước, các nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước đã im lặng một cách bất thường về mục tiêu tăng trưởng mà chính phủ đã đặt ra trong năm - khoảng 5,5%. Các nhà phân tích cho rằng đây là một dấu hiệu cho thấy chính phủ nghĩ rằng họ có thể sẽ không thể đạt được các mục tiêu của mình.
Nguồn:Zing news
####
https://theme.hstatic.net/200000339367/1000870059/14/breadcrumb_bg4.png
Viết bình luận