Chính phủ Ấn Độ vừa cấm xuất khẩu gạo, động thái được ban hành sau chưa đầy 4 tháng cấm xuất lúa mì do mùa vụ thất bát và nguồn gạo dự trữ cạn kiệt.
Giới quan sát nhìn nhận, động thái hạn chế xuất khẩu gạo của Thủ tướng Narendra Modi vừa được đưa ra sau những lo ngại về các tình huống phát sinh ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia.
Ấn Độ có bốn loại gạo xuất khẩu chính. Trong số này, chỉ có hai loại gạo basmati và gạo đồ là vẫn được phép xuất khẩu tự do. Riêng hai loại còn lại gồm gạo tẻ thường và gạo tấm bị cấm xuất khẩu.
Vào cuối tuần trước, Bộ Tài chính Ấn Độ đã ra thông báo về việc áp mức thuế 20% đối với gạo xuất khẩu và có hiệu lực ngay từ ngày 9 tháng 9.
Trong niên vụ 2021-22 (từ tháng 4 năm ngoái đến tháng 3 năm nay), Ấn Độ đã xuất khẩu kỷ lục 21,21 triệu tấn gạo, đạt trị giá 9,66 tỷ USD. Con số đó bao gồm 3,95 tấn gạo basmati (trị giá 3,54 tỷ USD) và 17,26 tấn gạo tẻ thường (trị giá 6,12 tỷ USD). Tiếp sau đó nước này còn xuất thêm 7,43 tấn gạo các loại (trị giá 2,76 tỷ USD).
Dự kiến các lệnh hạn chế xuất khẩu đợt này sẽ lên tới 9,83 triệu tấn, tương đương 3,36 tỷ USD. Theo các chuyên gia, hiểu một cách đơn giản, các biện pháp hạn chế vừa được công bố sẽ chỉ ảnh hưởng đến chưa đầy một nửa lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ và hơn một phần ba về giá trị.
Tại sao những hạn chế này lại bất ngờ đưa ra? Theo giới chức Ấn Độ, có hai lý do cơ bản. Một là sản lượng gạo của Ấn Độ giảm đáng kể do thiên tai ở các vùng Uttar Pradesh, Bihar, Jharkhand và Tây Bengal. Trong vụ mùa hiện tại, từ ngày 1 tháng 6 đến ngày 9 tháng 9, nông dân nước này đã xuống giống chưa đầy 2,1 triệu ha, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra việc lùi thời vụ gần 4,4 triệu ha, cho đến tuần thứ hai của tháng Tám (trong khung lịch bình thường là từ tháng 6-7), sẽ khiến các giống lúa sụt giảm năng suất mạnh. Với năng suất lúa trung bình của cả nước là 2,7 tấn/ha, thì mức thiệt hại dự báo có thể nằm trong khoảng từ 6 đến 12 triệu tấn.
Thậm chí các nhà chuyên môn dự báo, năng suất lúa ở hai bang Punjab và Haryana nguy cơ còn thấp hơn do bệnh lùn sọc lá đang lây lan mạnh.
Nguyên nhân thứ hai là hiện lượng dự trữ lúa mì tính đến ngày 1 tháng 8 của nước này đang ở mức 26,65 triệu tấn, mức thấp nhất trong 14 năm qua. Trong khi đó, dự trữ gạo cũng chỉ ở mức 40,99 triệu tấn, so với mức 44,46 triệu cùng thời điểm này của năm ngoái.
Gạo Ấn Độ quan trọng như thế nào đối với hoạt động thương mại gạo toàn cầu?
Theo các chuyên gia, Ấn Độ chiếm 40% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới, với hơn 21 triệu tấn xuất khẩu trong năm ngoái, vượt xa Thái Lan (7,2 triệu tấn), Việt Nam (6,6 triệu tấn) và Pakistan (4,8 triệu tấn). Do đó, Ấn Độ quan trọng đối với thương mại gạo toàn cầu, và không giống như lúa mì, khi họ chỉ thi thoảng mới là một cường quốc xuất khẩu lớn.
Gạo Ấn Độ xuất đi đâu?
Hơn 75% lượng gạo basmati của Ấn Độ xuất khẩu năm ngoái là sang Iran và các nước thuộc bán đảo Ả Rập; Mỹ, Anh, Canada và Úc … Riêng đối với gạo tẻ thường và gạo tấm, gần 55% được chuyển đến các nước châu Phi - bao gồm Benin, Bờ Biển Ngà, Senegal, Togo, Guinea, Madagascar, Cameroon, Djibouti, Somalia và Liberia. 9,5% đi Trung Quốc và Bangladesh, tiếp theo là Benin và Nepal (8-9% mỗi nước). Phần lớn xuất khẩu gạo của nước này là sang châu Phi và Bangladesh bao gồm cả gạo đồ, trong khi nhập khẩu của Trung Quốc chủ yếu là gạo tấm hiện cũng đã bị cấm.
Trong tổng số 3,89 triệu tấn gạo tấm xuất khẩu niên vụ 2021-22, 1,59 triệu tấn xuất sang Trung Quốc, tiếp theo là Senegal (0,92 triệu tấn), Việt Nam (0,34 triệu tấn), Djibouti (0,24 triệu tấn) và Indonesia (0,21 triệu tấn).
Ông Vijay Setia, cựu chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ cho biết, giá gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ hiện đang được xuất bán với giá khoảng 340 USD/ tấn, so với 380 USD cùng loại của Pakistan, 395 USD của Việt Nam và 430 USD của Thái Lan. Do vậy việc áp mức thuế 20% cũng sẽ không khiến cho gạo Ấn Độ trở nên cạnh tranh hơn.
Viết bình luận