Thời gian gần đây, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ứng dụng phương pháp nuôi ruồi lính đen để tạo nguồn thức ăn và xử lý chất thải trong sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế và môi trường.
Tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ sinh học, Phạm Trung Hiếu (xã Ea Riêng, huyện M'Đrắk) chọn về nhà khởi nghiệp bằng chăn nuôi. Khi bắt đầu thử nghiệm nuôi lươn thương phẩm, Hiếu nghĩ đến việc phải tìm nguồn thức ăn tươi bổ sung giúp lươn mau lớn và tăng đề kháng. Mày mò nuôi giun quế nhưng thất bại do không duy trì đủ nguồn thức ăn, Hiếu tìm đến phương pháp nuôi ruồi lính đen để lấy ấu trùng (hay còn gọi là sâu canxi).
Qua thông tin trên Internet, cuối năm 2018 Hiếu đặt mua đợt trứng ruồi lính đen đầu tiên ở Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) để nuôi thử nghiệm và nhân giống. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm trong việc điều chỉnh độ ẩm và nhiệt độ sinh khối, ấu trùng bị chết nhiều, anh phải đặt mua lần thứ 2 tại một cơ sở ở tỉnh Bình Định. Sau khoảng 4 tháng vừa nhân giống, vừa tích lũy kinh nghiệm, Hiếu đã hoàn chỉnh quy trình với khoảng 6 m2 nuôi ấu trùng và 3 m2 nuôi ruồi sinh sản. Không chỉ cung cấp đủ nguồn thức ăn bổ sung cho lươn, gà, cá trê trong mô hình chăn nuôi tổng hợp của mình, anh còn đang cung cấp ấu trùng ruồi lính đen cho một số cơ sở nuôi gà chọi, gà cảnh, gà thịt trong vùng và cung cấp trứng ruồi cho nhiều hộ chăn nuôi các địa phương trong tỉnh.
Anh Hiếu cho biết, nuôi ruồi lính đen không tốn nhiều công sức, có thể kết hợp cùng các mô hình chăn nuôi khác như nuôi heo, gà, chim cút... để lấy phân thải của vật nuôi chính làm thức ăn cho ấu trùng ruồi. Hiện tại, anh đang sử dụng cặn làm bún, rau củ quả hư hỏng thu gom từ các quầy hàng cùng với phân gà, bã đậu nên ít phát sinh chi phí. Ấu trùng ruồi lính đen có khả năng sinh trưởng nhanh, 1 m2 nuôi ruồi lính đen có thể cho 7 - 8 kg ấu trùng trong vòng nửa tháng, gấp 4 lần so với năng suất nuôi giun quế.
Còn chị Lê Thị Ngọc Hạnh (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) cũng mới áp dụng nuôi ruồi lính đen khoảng 3 tháng gần đây. Sau khi tham quan mô hình của một người bạn ở tỉnh Gia Lai, chị đặt mua trứng ruồi về tự nhân giống để tạo thức ăn cho gà. Chị thường tận dụng thức ăn thừa, rau củ quả hỏng xin được từ chợ và các dịch vụ gia chánh cùng với phân gà để nuôi ấu trùng ruồi lính đen. Chị Hạnh chia sẻ, nhờ bổ sung thêm “sâu canxi” mà đàn gà nhanh lớn, khỏe mạnh, lông đẹp, năng suất trứng cao hơn hẳn và còn tiết kiệm được khoảng 40% lượng thức ăn trong ngày. Phân của ấu trùng ruồi lính đen được chị sử dụng để bón cho tiêu, rau và cây cảnh. Vừa thu hoạch “sâu canxi”, chị vừa giữ lại một phần ấu trùng to khỏe để tạo thành ruồi đẻ trứng, nuôi xen kẽ tạo nguồn thức ăn ổn định cho gà.
Trên thực tế, ruồi lính đen đã được ứng dụng rộng rãi tại nhiều địa phương trên cả nước. Về bản chất, con ruồi lính đen vốn thường gặp trong tự nhiên. Giai đoạn trưởng thành, ruồi chỉ sinh sản chứ không gây hại cho các loại sinh vật khác. Trong vòng đời của mình, ruồi lính đen cần thức ăn trong giai đoạn ấu trùng (kéo dài khoảng 15 ngày). Ấu trùng ruồi lính đen rất phàm ăn, có thể ăn hầu hết các loại chất thải hữu cơ, phụ phẩm chăn nuôi, làm giảm đến 90% khối lượng rác thải mà không làm phát sinh nước thải hay mùi hôi, giảm thiểu các loại mầm bệnh. Nhờ ưu thế này, ruồi lính đen đang được nhiều quốc gia sử dụng để xử lý rác thải hữu cơ.
Việc kết hợp nuôi ruồi lính đen trong chăn nuôi đã tạo ra một chuỗi thức ăn khép kín, có ý nghĩa lớn trong việc ứng dụng các sinh vật tự nhiên vào chăn nuôi an toàn sinh học. Trong chuỗi này, các loại động vật: gà, vịt, heo... ăn ấu trùng ruồi lính đen, sau đó, phân của chúng lại trở thành nguồn thức ăn cho ấu trùng ruồi. Nếu ứng dụng rộng rãi, nông dân sẽ vừa tiết kiệm được chi phí thức ăn cho vật nuôi, vừa xử lý ô nhiễm môi trường do phân thải của gia súc, gia cầm và thậm chí là cả rác thải sinh hoạt hằng ngày.
Ấu trùng ruồi lính đen khi sấy khô có khoảng 43 - 51% lượng protein, 15 - 18% chất béo, 2,8 - 6,2% canxi, 1 - 1,2% phốt pho. Đặc biệt, trong chất béo của ấu trùng ruồi lính đen có tới 54% axit lauric, có tác dụng tiêu diệt nhiều loại vi rút, mầm bệnh gây hại cho vật nuôi.
Viết bình luận