Khawa Karpo nằm ở “cực thứ ba” của thế giới. Đây là cách các nhà băng học dùng để chỉ cao nguyên Tây Tạng, nơi có tảng băng Hindu Kush-Himalaya rộng lớn, vì nó chứa lượng băng tuyết lớn nhất sau Bắc Cực và Nam Cực - chỉ riêng các sông băng ở Trung Quốc đã chiếm 14,5% diện tích toàn cầu. Tuy nhiên, một phần tư lượng băng của nó đã bị mất kể từ năm 1970. Tháng này, trong một báo cáo đặc biệt được chờ đợi từ lâu về tầng đông lạnh của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC), các nhà khoa học sẽ cảnh báo rằng có tới 2/3 số sông băng còn lại trong khu vực đang trên đà biến mất vào cuối thế kỷ này. Dự kiến một phần ba lượng băng sẽ mất đi trong thời gian đó ngay cả khi mục tiêu quốc tế đã thống nhất về việc hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp được tuân thủ.
Dù chúng ta có phải là Phật tử hay không, thì cuộc sống của chúng ta cũng ảnh hưởng, và bị ảnh hưởng bởi những sông băng nhiệt đới trải dài tám quốc gia này. “Tháp nước châu Á” đóng băng này là nguồn của 10 con sông lớn nhất thế giới, bao gồm sông Hằng, sông Brahmaputra, sông Hoàng Hà, sông Mekong và sông Ấn, với các dòng chảy hỗ trợ trực tiếp cho ít nhất 1,6 tỷ người - về nước uống, nông nghiệp, thủy điện và sinh kế - và nhiều cách gián tiếp khác, như khi mua một chiếc áo phông làm từ bông trồng ở Trung Quốc, hoặc gạo ở Ấn Độ chẳng hạn.
Joseph Shea, một nhà băng học tại Đại học Bắc British Columbia, gọi sự mất mát này là “nỗi buồn và sự sợ hãi. Nó làm thay đổi bản chất của những ngọn núi một cách rất dễ thấy và sâu sắc”.
Tuy nhiên, các điều kiện thay đổi nhanh chóng ở cực thứ ba này không nhận được sự chú ý như ở Bắc Cực và Nam Cực. Báo cáo đánh giá lần thứ tư của IPCC vào năm 2007 đã đưa ra dự báo sai lầm rằng tất cả các sông băng ở Himalaya sẽ biến mất vào năm 2035. Tuyên bố này hóa ra dựa trên một giai thoại hơn là bằng chứng khoa học và có lẽ vì bối rối, cực thứ ba đã ít được chú ý hơn trong các báo cáo tiếp theo của IPCC.
Cũng có một sự thiếu hụt nghiên cứu so với các cực khác, và những dữ liệu thủy văn tồn tại đã được chính phủ Ấn Độ và các bên quan tâm khác bảo vệ. Cao nguyên Tây Tạng là một nơi rộng lớn, không đủ điều kiện thực tế cho các nhà băng học làm việc, và các yếu tố gây nhiễu khiến các phép đo khó thu được dữ liệu chính xác. Ví dụ, các nhà khoa học bị người dân địa phương cấm bước ra sông băng Mingyong, có nghĩa là họ phải sử dụng kỹ thuật chụp ảnh lặp lại để đo sự tan chảy của băng.
Trước những vấn đề này, công cụ vệ tinh xem ra vô giá, cho phép giới khoa học theo dõi sự co lại của nền băng theo thời gian thực. Vào mùa hè này, các nhà nghiên cứu của Đại học Columbia cũng đã sử dụng các hình ảnh vệ tinh do thám được giải mật từ thời chiến tranh lạnh để cho thấy rằng tỷ lệ tan băng ở cực thứ ba đã tăng nhanh trong thế kỷ này và hiện gần gấp đôi tốc độ tan chảy của giai đoạn 1975-2000, khi nhiệt độ trung bình toàn cầu thấp hơn giai đoạn hiện nay 1°C. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng các sông băng trong khu vực hiện đang mất đi khoảng nửa mét băng thẳng đứng mỗi năm vì hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra. Băng tan ở đây mang lại nguy cơ tử vong và thương tích đáng kể - hơn rất nhiều so với ở Bắc Cực và Nam Cực có dân cư thưa thớt - do các vụ nứt vỡ tràn nước hồ băng (khi hồ hình thành và đột ngột nước tràn qua bờ trong một trận lũ kinh hoàng) và sạt lở đất do đá mất ổn định gây ra. Toàn bộ ngôi làng bên dưới bị cuốn trôi và những sự kiện này ngày càng trở nên thường xuyên, ngay cả khi hệ thống giám sát và cứu hộ đã được cải thiện. Dữ liệu vệ tinh cho thấy số lượng và kích thước của các hồ nguy hiểm như vậy trong khu vực đang ngày càng gia tăng. Tháng 10 và tháng 11 năm ngoái, trong ba lần riêng biệt, các mảnh vỡ của băng tan đã chặn dòng chảy của sông Yarlung Tsangpo ở Tây Tạng, đe dọa Ấn Độ và Bangladesh ở hạ nguồn với lũ lụt và khiến hàng nghìn người phải sơ tán.
Một nguyên nhân khiến lượng băng mất đi nhanh chóng là do cao nguyên Tây Tạng, giống như hai cực khác, đang ấm lên với tốc độ nhanh gấp 3 lần mức trung bình toàn cầu, tức là tăng thêm 0,3 độ C mỗi thập kỷ. Trong trường hợp của cực thứ ba, điều này là do độ cao của nó, có nghĩa là nó hấp thụ năng lượng từ không khí bốc lên, ấm áp, đầy hơi ẩm. Ngay cả khi nhiệt độ trung bình toàn cầu duy trì ở mức dưới 1,5 độ C, khu vực này sẽ bị ấm lên hơn 2 độ C. Nếu lượng khí thải không bị cắt giảm, mức tăng sẽ là 5 độ C, theo một báo cáo được công bố vào đầu năm nay bởi hơn 200 nhà khoa học cho Trung tâm Quốc tế về Phát triển Núi Hợp nhất (ICIMOD) có trụ sở đặt tại Kathmandu. Lượng tuyết rơi vào mùa đông đã giảm và trung bình có ít hơn 4 đêm lạnh và thêm 7 đêm ấm mỗi năm so với 40 năm trước. Các mô hình cũng chỉ ra sự tăng cường của gió mùa Đông Nam, với những trận mưa như trút nước và không thể đoán trước. Nhà khoa học đứng đầu của ICIMOD, Philippus Wester cho biết: "Đây là cuộc khủng hoảng khí hậu mà bạn chưa từng biết đến".
Có một thủ phạm khác ngoài lượng khí thải CO2 của chúng ta trong câu chuyện nóng lên này, và tất cả đều quá rõ ràng trên bề mặt bẩn thỉu của sông băng Mingyong: CARBON ĐEN, HOẶC CÒN GỌI LÀ BỒ HÓNG. Một nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy carbon đen tạo ra lượng thu nhiệt 1,1 watt trên mỗi mét vuông bề mặt Trái đất về năng lượng thừa được lưu trữ trong khí quyển (khí CO2 chịu trách nhiệm cho khoảng 1,56 watt trên mỗi mét vuông). Carbon đen có nhiều tác động lên nền khí hậu, thay đổi mây và hoàn lưu gió mùa cũng như đẩy nhanh quá trình tan băng. Ô nhiễm không khí từ Đồng bằng Ấn-Hằng - một trong những khu vực gây ô nhiễm nhất thế giới - làm lắng đọng lớp bụi đen này trên các sông băng, khiến cho bề mặt của chúng bị sẫm màu và nhanh chóng tan chảy. Trong khi bồ hóng rơi xuống đất đá đen ít ảnh hưởng đến nhiệt độ của nó, thì tuyết và sông băng đặc biệt dễ bị tổn thương vì chúng rất trắng và có độ phản chiếu. Khi các sông băng tan chảy, đá xung quanh vỡ vụn trong các vụ lở đất, bao phủ băng bằng lớp vật liệu tối có tốc độ tan chảy theo chu kỳ. Ví dụ như, một nơi ở rặng Everest, với độ cao 5.300 mét, giờ chỉ còn là đống đổ nát và mảnh băng vỡ khi sông băng Khumbu đã tan rã.
Vùng cao rộng lớn của cực thứ ba là một trong những vùng sinh thái đa dạng và dễ bị tổn thương nhất trên Trái đất. Con người mới chỉ cố gắng chinh phục những ngọn núi này trong thế kỷ trước, nhưng trong thời gian đó con người đã khuất phục các sông băng và thay đổi bộ mặt của vùng đất hoang vu này với ô nhiễm và các hoạt động khác. Các nhà nghiên cứu hiện đang bắt đầu tìm hiểu quy mô ảnh hưởng của con người đối với khu vực này - một số người đã trực tiếp trải nghiệm điều đó: nhiều tác giả trong số 300 tác giả báo cáo của IPCC về băng và tuyết nhóm họp tại thủ đô Nepal vào tháng 7/2019 đã buộc phải trú ẩn hoặc chuyển hướng đến các sân bay khác vì cảm thấy sự thay đổi khác thường của gió mùa.
Nhưng ngoài những bất tiện như vậy, những thay đổi này có ý nghĩa gì đối với 240 triệu người sống trên núi? Vâng, trong nhiều lĩnh vực, nó đã được hoan nghênh. Mùa đông ấm hơn, dễ chịu hơn đã làm cho cuộc sống dễ dàng hơn. Nhiệt độ cao hơn đã thúc đẩy nông nghiệp - mọi người có thể trồng nhiều loại cây trồng hơn và thu lợi từ nhiều vụ thu hoạch mỗi năm, đồng thời cải thiện sinh kế. Điều này có thể là nguyên nhân gây ra cái gọi là dị thường Karakoram , trong đó một số sông băng trong dãy Karakoram của Pakistan đang tiến triển trái ngược với xu hướng chung. Các nhà khí hậu học tin rằng sự phát triển đột ngột và ồ ạt của mô hình nông nghiệp được tưới tiêu trong khu vực địa phương, cùng với các đặc điểm địa hình bất thường, đã làm giảm lượng tuyết rơi trên các sông băng hiện nay thay vì bù đắp cho sự tan chảy của chúng.
Ở những nơi khác, bất kỳ sự gia tăng lượng mưa nào cũng không đủ để chống lại tốc độ băng tan và những nơi hoàn toàn phụ thuộc vào lượng nước do băng tan để tưới tiêu sẽ cảm nhận được ảnh hưởng sớm nhất. Aditi Mukherji, một trong những tác giả của báo cáo IPCC cho biết: “Các suối đã khô nghiêm trọng trong 10 năm qua mà không có nguồn nước cấp từ băng tan và do cơ sở hạ tầng đã phải cắt giảm lượng nước thải”.
Người dân đang trồng rau ở Karakoram.
Được biết đến là sa mạc có độ cao lớn, những nơi như Ladakh ở khu vực Đông Bắc của Ấn Độ và một số vùng của Tây Tạng đã mất đi nhiều sông băng ở độ cao thấp hơn và cùng với đó là dòng chảy tưới tiêu theo mùa, làm ảnh hưởng đến nông nghiệp và sản xuất điện từ các đập thủy điện bên dưới. Ở một số nơi, các cộng đồng đang cố gắng xác định lại vị trí và tạo thêm các sông băng nhân tạo, chuyển hướng dòng chảy từ các sông băng cao hơn đến các vị trí được che chắn và bảo vệ, nơi nó có thể đóng băng trong mùa đông để cung cấp nước tan chảy cho tưới tiêu vào mùa xuân.
Một số con sông lớn ở Châu Á phụ thuộc nhiều vào dòng chảy của băng - sông Dương Tử và sông Hoàng Hà - đang cho thấy mực nước suy hạ do lượng nước tan chảy giảm dần. Sông Ấn (40% là từ nguồn nước sông băng) và sông Yarkand (60% là từ nguồn nước sông băng) thì đặc biệt dễ bị tổn thương. Vì vậy, mặc dù các cộng đồng miền núi đang phải hứng chịu sự biến mất của băng hà, nhưng những cộng đồng ở hạ lưu hiện đang ít bị ảnh hưởng hơn vì lượng mưa đóng góp lớn hơn nhiều cho các con sông như sông Hằng và sông Mekong khi chúng đổ xuống các lưu vực đông dân cư. Cho đến nay, xung đột ở thượng nguồn - hạ nguồn về khai thác, xây dựng đập và chuyển hướng dòng sông phần lớn đã được ngăn chặn thông qua các hiệp ước chia sẻ nước giữa các quốc gia, nhưng khi khí hậu trở nên khó dự đoán hơn, thì sự khan hiếm nước sẽ gia tăng, khiến nguy cơ bất ổn nội bộ quốc gia - chứ chưa nói giữa các quốc gia - sẽ tăng lên.
Vào cuối thế kỷ này, mực nước trước đợt gió mùa ở tất cả các con sông sẽ giảm mạnh nếu không có vùng đệm cung cấp nước từ sông băng, ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp cũng như sản xuất thủy điện, và những căng thẳng này sẽ cộng thêm bởi sự gia tăng số lượng và mức độ nghiêm trọng của lũ lụt càn quét và tàn phá. “Tác động đến nguồn nước địa phương sẽ rất lớn, đặc biệt là ở Thung lũng Sông Ấn. Shea, cũng là một tác giả của báo cáo ICIMOD, cho biết họ mong đợi việc di cư ra khỏi các khu vực khô hạn trước tiên, nhưng dân số trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng.
Khi trữ lượng nước ngọt khổng lồ bị đóng băng của cực thứ ba tràn xuống đại dương, chúng đang góp phần làm mực nước biển dâng lên, vốn đang gây khó khăn cho cuộc sống ở các vùng đồng bằng và vịnh có dân cư đông đúc tại Châu Á, từ Bangladesh đến Việt Nam. Hơn nữa, họ đang thải ra các chất ô nhiễm nguy hiểm. Sông băng là những viên nang thời gian chứa nước, được tạo nên bởi bông tuyết từ bầu trời quá khứ và khi chúng tan chảy, chúng cung cấp trở lại tuần hoàn các thành phần của không khí lưu trữ đó. Thuốc trừ sâu nguy hiểm như DDT (được sử dụng rộng rãi trong ba thập kỷ trước khi bị cấm vào năm 1972) và axit perfluoroalkyl hiện đang bị rửa trôi xuống hạ lưu trong nước băng tan chảy, tích tụ trong trầm tích và chuỗi thức ăn.
Cuối cùng thì tương lai của khu vực rộng lớn này, con người, các tảng băng và động mạch sông ngòi của nó - giống như những người sùng đạo Khawa Karpo tin tưởng - tùy thuộc vào việc giảm phát thải khí nhà kính và các chất ô nhiễm khác. Như Mukherji nói, nhiều sông băng chưa tan chảy đã “biến mất một cách nhanh chóng đến bất ngờ, vì trong không khí ô nhiễm dày đặc, bạn không còn có thể nhìn thấy chúng nữa”.
Nguồn: Theguardian.com / Hành tinhTitanic
####
https://theme.hstatic.net/200000339367/1000870059/14/breadcrumb_bg4.png
Viết bình luận