Thông báo của tôi

Tổng quan về tình hình chăn nuôi năm 2023

Tổng quan về tình hình chăn nuôi năm 2023

Chăn nuôi năm 2023 cơ bản ổn định về đầu con, không có dịch bệnh lớn nhưng gía bán các sản phẩm chăn nuôi ở mức thấp khiến người chăn nuôi và doanh nghiệp thua lỗ…

Đàn vật nuôi cơ bản ổn định

Năm 2023, nhìn chung tình hình chăn nuôi trâu, bò khá ổn định về tổng đàn, không có biến động lớn; chăn nuôi lợn có kết quả tích cực mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá lợn hơi thấp, chi phí đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học và phòng dịch cao, giá thức ăn chăn nuôi theo xu hướng giảm (từ thời điểm tháng 6 đến nay đã có khoảng 6 đợt giảm giá) nhưng chưa đáng kể vẫn ở mức cao; chăn nuôi gia cầm tiếp tục tăng do khu vực hộ và doanh nghiệp đều phát triển ổn định.

Theo số liệu ước tính của Cục Chăn nuôi: tổng đàn lợn ước đạt 30,3 triệu con, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022; đàn trâu 2,2 triệu con, giảm 1,0%; đàn bò 6,4 triệu con tăng 1,0%; đàn gia cầm 558,6 triệu con, tăng 2,6%. Ước tính cả năm 2023, tổng sản lượng thịt hơi các loại sẽ đạt trên 7,6 triệu tấn, tăng 3,5% (trong đó thịt lợn hơi 4,68 triệu tấn; thịt gia cầm 2,24 triệu tấn; thịt trâu, bò 0,63 triệu tấn và khoảng 50 nghìn tấn thịt dê, cừu các loại). Sản lượng trứng ước đạt 18,98 tỷ quả, tăng 3,9% và sản lượng sữa tươi ước đạt trên 1,2 triệu tấn, tăng 7,2% so với năm 2022.

 

Sản xuất thức ăn chăn nuôi ước đạt 20 triệu tấn

Sản lượng thức ăn công nghiệp ước đạt 20 triệu tấn (giảm 2,4% so với năm 2022). Thức ăn cho lợn đạt 11,15 triệu tấn (chiếm khoảng 55,7%), thức ăn cho gia cầm đạt khoảng 8,17 triệu tấn (chiếm khoảng 40,8%), còn lại là thức ăn cho vật nuôi khác (chiếm khoảng 3,4%) Trong năm 2023, giá các nguyên liệu TACN chính đều giảm so với năm 2022, cụ thể: ngô hạt 7,76 nghìn đồng/kg (giảm 12,5%); khô dầu đậu tương 14,1 nghìn đồng/kg (giảm 3,1%); DDGS 9,24 nghìn đồng/kg (giảm 7,6%); cám mì 6,87 nghìn đồng/kg (giảm 1,9%); cám gạo chiết ly 6,19 nghìn đồng/kg (giảm 1,7%). Tuy nhiên, so với năm 2022 giá các nguyên liệu chính trong năm 2023 vẫn cao hơn từ 32,4% đến 45,6% so với giai đoạn trước dịch Covid-19 (năm 2020).

Mặc dù giá nguyên liệu TACN trung bình cả năm 2023 giảm so với năm 2022, nhưng giá TACN hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn và gia cầm trung bình cả năm 2023 vẫn cao hơn 0,7-3,5% so với năm 2022 và cao hơn 44,8% so với giai đoạn trước dịch Covid-19 (năm 2020). Nguyên nhân chủ yếu do giá TACN hoàn chỉnh chỉ được điều chỉnh giảm giá kể từ tháng 6/2023 đến nay (khoảng 6 đợt điều chỉnh giảm giá nhưng mức giảm mỗi đợt không nhiều).

 

11 tháng đầu năm 2023: Giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tăng 22%

Tính chung trong 11 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 402 triệu USD (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022, là nhóm lĩnh vực tăng mạnh nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp). Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 113 triệu USD, tăng 26%; xuất khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 123 triệu USD, tăng 36,4%

Đáng chú ý, trong 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thịt và phụ phẩm ăn được của gia cầm tăng mạnh, đạt 4,08 nghìn tấn, trị giá 10,55 triệu USD, tăng 250,5% về lượng và tăng 315,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

 

Nguồn: Nhachannuoi.vn

Đang xem: Tổng quan về tình hình chăn nuôi năm 2023

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên